Du lịch đảo Cù Lao Chàm

Cù Lao Chàm thuộc Tân Hiệp, Hội An, Quảng Nam, cách biển Cửa Đại 15 km. Nơi đây gồm 8 đảo là Hòn Lao, Dài, Mồ, Khô Mẹ, Khô Con, Lá, Tai, Ông. Nhiều du khách sau khi thăm thú phổ cổ Hội An thường tới cụm đảo này để tận hưởng vẻ đẹp yên bình, hoang sơ của thiên nhiên.

Thời gian lý tưởng để du lịch đảo Cù Lao Chàm

Tháng 3 – 8 hàng năm là thời điểm phù hợp cho chuyến tham quan. Lúc này, thời tiết ấm, nắng vàng, trong và biển lặng. Không nên đi vào các tháng còn lại vì có bão, biển động, đảo trở thành khu vực bị cô lập.

Nếu muốn kết hợp chuyến đi của mình với việc tham quan đèn lồng phố cổ Hội An thì các bạn nên đi vào ngày rằm các tháng âm lịch. Nhưng lưu ý ngày 14 phố cổ lung linh hơn ngày 15 nhiều.

Hoặc nếu muốn tham gia vào văn hóa tín ngưỡng của cư dân trên đào thì các bạn có thể chọn đi vào dịp lễ hội như: Lễ hội Cầu Ngư (ngày 3-4 tháng 4 âm lịch) hay Lễ giỗ Tổ nghề Yến (ngày 9-10 tháng 3 âm lịch).

Di chuyển tại Cù Lao Chàm

Có hai phương tiện để đến Cù Lao Chàm một là thuyền gỗ từ bến Cửa Đại lúc 8 giờ sáng di chuyển mất 60 phút; hai là, nếu di chuyển bằng cano sẽ mất 20 phút từ cảng Cửa Đại đến bến cảng Cù Lao Chàm ngay trung tâm thôn Bãi Làng. Nếu bạn muốn đi về Bãi Hương thì sẽ di chuyển bằng xe máy trong 15 phút. Chi phí thuê xe máy trong một ngày dao động từ 150 đến 200 nghìn.
Ngoài ra, bạn có thể tham quan các đảo bằng thuyền với mức giá 500.000 – 1.500.000 đồng một lần. Các thuyền này đều gồm dịch vụ lặn biển ngắm san hô.

Nghỉ ngơi ở đâu trên đảo Cù Lao Chàm

Bạn thuê tại các Homestay trên đảo với giá 300.000 đồng một ngày một phòng cho 2 người.

Homestay Gia Thành

Lưu ý: Bãi Làng là nơi cập bến của tàu gỗ, và cano. Tùy phương tiện di chuyển, bạn có thể chọn nhà nghỉ gần khu vực cập bến.

Ngoài ra, nếu thích hòa mình với thiên nhiên, bạn có thể cắm trại tại tại Bãi Ông, Bãi Chồng. Lều bạt thuê của người dân trên đảo với giá 150.000 đồng một chiếc.

NHỮNG ĐIỂM THAM QUAN HẤP DẪN TRÊN ĐẢO CÙ LAO CHÀM

Ngoài các bãi biển đẹp, Cù Lao Chàm còn sở hữu rất nhiều điểm du lịch thú vị bạn không thể bỏ qua như:

Nhà Bảo tàng biển Cù lao Chàm

Điểm dừng chân đầu tiên khi thuyền cập bến tàu Cù lao Chàm chính là nhà bảo tàng biển Cù Lao Chàm. Đây là nơi các bạn có thể tìm hiểu lịch sử hình thành, các phong tục truyền thống, các lễ hội, các sản vật biển… của vùng đảo này, giúp các bạn có cái nhìn toàn cảnh về hòn đảo và con người nơi đây.

Khu bảo tồn biển Cù Lao Chàm
Phòng trưng bày Bảo tồn biển Cù Lao Chàm

Giếng cổ Chăm

Hay còn có tên khác là Giếng Xóm Cấm nằm bên cạnh bảo tàng biển Cù Lao Chàm, có niên đại khoảng 200 năm, nằm tại ngã ba con đường bê tông của khu dân cư xóm Cấm. Cấu trúc của giếng mang đặc trưng giống với nhiều kiểu giếng Chăm khác ở Hội An như: hình ống tròn, thành giếng hình tròn, nền giếng hình vuông, ở mỗi góc có một trụ vuông, lòng giếng xây gạch theo kiểu “vành khăn”.

Giếng Xóm Cấm (giếng cổ của người Chămpa)

Người dân tại thôn Bãi Làng cho biết Giếng Xóm Cấm là nguồn cung cấp nước dồi dào cho người dân trong khu vực. Điểm đặc biệt là nước của giếng này không bao giờ cạn, cho dù là vào mùa khô kiệt nhất.

Chùa Hải Tạng

Chùa Hải Tạng xây dựng năm 1758 tại chân núi phía tây đảo Hòn Lao. Bên trong chùa có hoành phi, câu đối sơn son thếp vàng, tượng thờ đồ sộ cùng một quả chuông lớn. Đây là nơi người dân và thương lái tới lễ Phật và cầu mong được phù hộ trên con đường làm ăn buôn bán.

Chợ Tân Hiệp

Đến Cù Lao Chàm, khách du lịch không thể bỏ qua chợ Tân Hiệp, nhiều người gọi là Chợ Cù Lao Chàm, nằm ngay khu vực bến tàu. Chợ bán các đặc sản rừng, biển và cả quà lưu niệm. Khách thường mua mực một nắng ở đây về làm quà cho bạn bè người thân. Trong chợ cũng có thể trả giá nhưng thường trả giá một chút thôi vì người bán hàng không nói thách nhiều.

Miếu tổ nghề Yến

Nằm ở Bãi Hương, Miếu Tổ nghề Yến được xây dựng hoàn chỉnh vào khoảng đầu thế kỷ 19 để thờ tổ nghề Yến và các vị thần bảo hộ nghề Yến. Hàng năm vào ngày 10 tháng 3 âm lịch, cư dân và những người làm nghề khai thác yến tổ chức cúng rất linh đình để chuẩn bị cho vụ khai thác mới.

Ngoài ra, đảo Yến, bãi Đá Chồng cũng là những điểm đến nhiều du khách ghé qua. Những ai thích ngụp lặn trong làn nước xanh trong thì Bãi Xếp, Bãi Ông, Bãi Làng là điểm lý tưởng.

Bãi Xếp – Cù Lao Chàm
Bãi Chồng – Cù Lao Chàm

Mùa hoa ngô đồng đỏ

Cây ngô đồng thường được gọi là ngô đồng đỏ. Cây Ngô Đồng là cây di sản có tuổi đời từ 155 đến 250 năm là loài cây bản địa quý hiếm, rất ít gặp tại các địa phương khác ngoài hòn đảo miền Trung này. Cứ đến tháng 7, tháng 8, các cánh rừng ở Cù Lao Chàm lại rực lên sắc đỏ của hoa ngô đồng, tạo nên nét quyến rũ riêng cho xã đảo.

Cây ngô đồng Cù Lao Chàm hiện nay không chỉ là cây để lấy gỗ, tạo cảnh quan đẹp mắt hấp dẫn du khách mà nó còn được người địa phương tận dụng để làm nhiều thứ giá trị. Đặc biệt là vỏ cây ngô đồng được dùng để làm sợi đan võng, cũng chính vì thế mà người ta gọi là võng cây ngô đồng cũng vì thế. Loaị võng này được làm thủ công, sử dụng sợi cây ngô đồng nên rất bền chắc, nằm rất êm, không dễ hư hỏng có tuổi thọ khoảng 30 năm. Đây không chỉ là một sản phẩm đặc trưng mà cũng là một nét độc đáo của đảo Cù Lao Chàm thu hút khách. Ngoài ra, hạt cây ngô đồng có thể làm bánh, dược liệu, mỹ phẩm hay đem rang lên cho thơm, ăn cũng rất bùi.

Cung đường Hoa Ngô Đồng đỏ

Cây đa núi

Cây đa núi ở sườn Đông đảo Hòn Lao có tuổi đời lên tới 600 năm; được xếp vào cây di sản Việt Nam, thuộc họ dâu tằm. Cây có một thân chính và 6 thân phụ to lớn phân bố ở 3 phía Đông, Tây, Bắc của cây, trở thành hệ thống chống đỡ đẹp mắt, tạo điều kiện cho tán cây tỏa rộng.

Cây Đa – cây di sản Việt Nam

Ngọn hải đăng

Dọc theo đường triền núi phía Đông của đảo, cách cây đa khoảng 500m bạn sẽ thấy ngọn hải đăng, định hướng cho tàu thuyền qua lại biết vị trí đảo Cù Lao Chàm, giúp tàu thuyền hoạt động trong vùng biển Quảng Nam an toàn.

Ngọn Hải Đăng

Lên đảo Cù Lao Chàm nên ăn gì?

Mực một nắng

Mực một nắng Cù Lao Chàm khá đa dạng với nhiều loại: mực lá, mực ống, mực tuộc, mực ghim… nhưng chỉ có mực ống mới chế biến được món mực một nắng ngon. Người ta chọn những con mực vừa mang từ biển về hãy còn tươi rói, sau đó phơi một nắng hoặc hai nắng…

Mực một nắng Cù Lao Chàm Cao Phương
Mực 1 nắng Cù Lao Chàm Cao Phương_Sản phẩm OCOP đạt 3 sao

Cua đá

Cua đá là một món ngon dân dã của xứ đảo Cù Lao mà ai từng đến đây cũng mong được nếm thử. Cua có vị thịt ngọt, thanh chứ không phảng phất vị tanh thường thấy của động vật miền biển. Do cua đá ăn các loại cỏ cây trên núi, nên thịt cua nồng một mùi cây rừng, thơm đến lạ. Hiện cua đá là động vật quý hiếm đang được bảo tồn, và thời gian khai thác từ tháng 3 đến tháng 7.

Cua Đá Cù Lao Chàm đã được dán tem

Bào ngư

Bào ngư là loài ốc cực hiếm, có nhiều tên gọi như ốc cửu không, hải nhĩ… nên du khách rất thích thưởng thức bào ngư khi đến Cù Lao Chàm. Loài ốc này bám vào những tảng đá ngầm khu vực biển san hô có độ mặn cao, nhiều sóng lớn nên khó bị phát hiện và khó khăn lắm mới tách được chúng khỏi những tảng đá.

Bào ngư

Rau rừng

Rau rừng Cù Lao Chàm tập hợp gồm 16 loại cây lá rừng mang hương vị thuốc nam, mọc hoang ở các chân núi như: rau dớn, rau sân, rau lủi, mã đề… Đầu mùa hè là chính vụ thu hoạch rau rừng ở đảo. Đơn giản nhất và giữ được mùi vị nhất khi thưởng thức là món rau luộc, chấm với mắm nem.

Rau rừng Cù Lao Chàm

Ốc Nón

Nên ra đảo Cù Lao vào ngày trăng tròn để thưởng thức những món ăn được chế biến từ ốc vú nàng. Bởi đơn giản vào mùa trăng tròn ốc vú nàng mới xuất hiện nhiều. Không phổ biến như ở Côn Đảo, Phú Quý…nhưng ốc vú nàng Cù Lao Chàm là đặc sản lạ tai, lạ mắt đối với nhiều du khách.

Ốc nón

Bánh ít lá gai

Bánh ít lá gai là loại bánh có ở nhiều nơi nhưng ăn món này ở Cù Lao Chàm vẫn có nét đặc trưng riêng biệt. Trước đây chỉ khi nào lễ hội thì đảo mới làm món ăn này nhưng ngày nay thì có quanh năm để phục vụ nhu cầu của khách du lịch.

Một số lưu ý 

– Đảo Cù Lao Chàm là nơi nói không với bao ni lông, nên trước khi lên đảo bạn không nên mang theo bất kỳ bao ni lông nào nhé!

– Nên chuẩn bị các vật dụng đi biển như mũ, dép bệt, kính, kem chống nắng, thuốc trị côn trùng (nếu có ý định cắm trại)…

– Mang đầy đủ giấy tờ tùy thân để tiện cho việc thuê xe.

– Khi lặn ngắm san hô nghiêm cấm hành vi bẻ san hô, mang san hô về đất liền. Khí hậu ở đây nắng nóng nên nếu di chuyển trong ngày thì nên mang theo đồ chống nắng và nước uống.

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *